Cháu H. đang được theo dõi và điều trị sau khi ăn nhầm phải bột thông bồn cầu
Ngày 23-7, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho biết tại đây vừa cấp cứu cho 4 bé mầm non ăn nhầm phải bột thông cống (bột thông bồn cầu). Trường hợp nặng nhất là cháu N.C.H. (5 tuổi), vào viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được.
Theo mẹ cháu H., ngay sau khi ăn phải gói bột trắng nhặt được trong lúc tự chơi, trẻ có biểu hiện khó chịu, nôn, quấy khóc, chảy nhiều nước dãi. Các cô giáo đã lập tức báo cho gia đình đưa trẻ đi cấp cứu. Gia đình cầm theo thứ “bột lạ” này đi kiểm tra và tìm hiểu thì được biết đây là bột thông cống.
Tin tuc mới nhất từ Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa – BV Nhi Trung ương, cho biết hiện tại các bác sĩ chỉ đánh giá được tổn thương ở miệng, họng của bệnh nhi H. chứ chưa thể đánh giá được các tổn thương ở thực quản, dạ dày… Lý do là phải chờ bệnh nhi đỡ loét, đỡ nhiễm trùng ở miệng và họng mới có thể gây mê, tiến hành nội soi tìm các tổn thương sâu một cách chính xác.
Với những trường hợp còn lại bị tổn thương nhẹ nên được xuất viện về nhà điều trị.
Gói bột thông bồn cầu mà 4 trẻ tưởng là đường nên bóc ra ăn
Trước đó, ngày 17-7, tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trong lúc tự chơi, 4 học sinh cùng lớp nhặt được một gói bột màu trắng và nhầm tưởng là đường nên rủ nhau bóc ra ăn. Sau khi ăn, trẻ có biểu hiện khó chịu, nôn, quấy khóc, chảy nhiều nước dãi, các cô giáo đã lập tức báo cho gia đình đưa trẻ đi cấp cứu tại BV tỉnh Hưng Yên, sau đó chuyển lên BV Nhi Trung ương vào chiều cùng ngày. Kiểm tra cho thấy thứ bột lạ mà trẻ ăn được là bột thông cống.
Cũng theo bác sĩ Ngoan, 2 năm gần đây, các trường hợp nhập viện do ngộ độc thực phẩm, chất tẩy rửa, ăn mòn có xu hướng gia tăng. Thời gian này, khoa cũng đang điều trị cho các trường hợp ngộ độc với nhiều nguyên nhân như: Ăn củ ráy, nuốt phải pin, uống nhầm nước rửa bát….
Chất tẩy rửa có 2 nhóm (nhóm mang tính kiềm có nhiều sút và nhóm có axit), các chất ăn mòn này nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trường hợp nhẹ, sớm được phát hiện và điều trị thì tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Trường hợp nặng thì gây trợt, loét nông, loét sâu, thậm chí là hoại tử nặng.
Khi trẻ ăn, nuốt, uống phải các hóa chất có tính ăn mòn thì việc đầu tiên là cần xử lý ban đầu sớm, tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng hoặc lau rửa miệng. Sau đó, lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc.
Theo Người Lao Động
0 comments:
Post a Comment